Luật Quảng cáo (QC) được Quốc hội thông qua có hiệu
lực từ ngày 1-1-2013 nhằm đưa các hoạt động QC vào nề nếp. Tuy nhiên, do thiếu
nghị định, thông tư hướng dẫn nên luật đang làm cho thị trường QC thêm rối.

Nhiều ý kiến trái chiều
Tại hội nghị phổ biến nội dung Luật QC và lấy ý kiến
các sở ngành và doanh nghiệp (DN) phía Nam cho dự thảo Nghị định hướng dẫn thi
hành luật đầu tháng 12-2012, các DN QC đều tỏ ra khá lo lắng trước các quy định
siết chặt QC thương mại bởi liên quan đến việc lập quy hoạch, quy trình xây dựng,
phê duyệt trong tổng thể phát triển từng địa phương. Dự kiến mức phạt cho các
sai phạm QC hàng hóa sẽ tăng gấp 5 lần, lên 200 triệu đồng. Các mức xử phạt sẽ
tăng mạnh và được đưa vào nghị định xử phạt riêng phục vụ cho công tác hậu kiểm.
QC bằng băng rôn, QC tấm lớn ngoài trời đều phải đúng nơi quy định và xử phạt nặng
tay nếu không tuân thủ luật…
Những quy định này chẳng khác nào gây khó cho các DN
làm QC. Bởi hiện nay dù luật đã có hiệu lực nhưng việc quy hoạch các điểm treo
QC ở các địa phương vẫn… chưa được tiến hành. Như vậy, các DN cần treo biển QC
thương mại sẽ treo ở đâu khi có nhu cầu. Anh Nguyễn Vĩnh Huy, Giám đốc Công ty
QC Đại Dương cho biết: “Công ty chúng tôi muốn xin phép xây dựng biển QC ngoài
trời từ đầu tháng 1-2013 nhưng luật mới quy định phải xin phép Sở Xây dựng.
Trong khi đó, sở này còn chưa có bộ quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành nên tạm
thời ngưng cấp phép khiến việc xin phép xây dựng của chúng tôi đi vào ngõ cụt”.
Có thể thấy từ Luật QC, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều
nhất bởi luật sẽ là các DN QC nhỏ, bởi tiềm lực tài chính và con người ít nên sẽ
mất đi cơ hội cạnh tranh đối với các DN QC lớn. Trong khi đó, các công ty QC
chuyên nghiệp sẽ nắm bắt cơ hội để góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa
hoạt động QC đi vào nề nếp hơn. Cuối năm 2012, Sở VH,TT&DL và Công ty CP
CLB Bóng đá Bình Dương có cuộc họp và đi đến thống nhất các bên sẽ khảo sát để
quy hoạch các khu vực dành riêng cho việc treo băng rôn QC thương mại, làm thí
điểm trước tại TP.Thủ Dầu Một. Tính đến đầu 2013, Công ty CP CLB Bóng đá Bình
Dương đang quản lý khai thác gần 550 bảng QC, quy cách chung của các bảng QC là
cao 2m, ngang 4m được xây dựng trên dải phân cách của các tuyến đường giao
thông chính. Việc treo băng rôn QC thương mại trên các trụ QC của công ty vừa bảo
đảm tuân thủ quy định của Luật QC, vừa tạo vẻ đẹp mỹ quan chung của đô thị.
Th.S Cao Văn Chóng, Phó TGĐ Công ty CP CLB Bóng đá
Bình Dương cho biết: “Công ty CP CLB Bóng đá Bình Dương luôn tuân thủ Pháp lệnh
QC trước đây nên việc Luật QC ra đời không gây khó khăn nào đáng kể cho chúng
tôi. Tôi tin rằng cùng với sự nỗ lực của công ty và các cơ quan quản lý nhà nước,
trong thời gian tới, việc QC ngoài trời tại địa bàn Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh
Bình Dương nói chung sẽ đi vào nề nếp, không còn hiện tượng bát nháo như trước”.
Nhà quản lý băn khoăn
Ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL
cho biết: “Dù luật có hiệu lực từ 1-1-2013 và đã lấy ý kiến các sở, ngành từ
tháng 7-2012 nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể
việc thi hành luật nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Hải, khó
khăn lớn nhất của cơ quan quản lý nhà nước là việc QC ngoài trời trước đây người
dân, các DN làm không phải tốn chi phí thì nay phải nộp một khoản tiền lớn cho
Nhà nước. Chính vì thế, nếu không có biện pháp tuyên truyền mạnh sẽ phát sinh
nhiều tiêu cực.
Ngay sau khi luật có hiệu lực, Sở VH,TT&DL đã họp
với một số công ty QC lớn trên địa bàn tỉnh để đi đến quyết định cùng nhau khảo
sát và tiến hành xây dựng 20 điểm QC tập trung. Đối với các huyện, thị và thành
phố, sở cũng sẽ làm việc và khảo sát, xây dựng các điểm QC bằng 2 phương án: xã
hội hóa để cùng chia sẻ doanh thu QC với các công ty tư nhân hoặc đầu tư từ
ngân sách Nhà nước để các trung tâm văn hóa thụ hưởng doanh thu QC.
Có thể thấy, thay đổi lớn nhất từ Luật QC đối với cơ
quan Nhà nước là việc thay đổi cơ chế quản lý của các cơ quan có chức năng. Như
đã nói ở trên, việc cấp phép cho QC tấm lớn ngoài trời giờ đã không còn thuộc
phạm vi thẩm quyền của Sở VH,TT&DL. Trong khi đó, sở này cũng không còn được
phép cấp phép QC cho các hoạt động QC như trước kia nữa. Thay vào đó, Sở
VH,TT&DL chỉ tiếp nhận thông báo của đơn vị QC và có công văn phản hồi. “Nếu
trong thời gian quy định mà sở không kịp trả lời, đơn vị QC sẽ được phép tự tiến
hành treo băng rôn QC. Điều này dễ dẫn đến tình trạng khó xử khi cùng một thời
gian, một vị trí mà có nhiều DN gửi thông báo xin treo QC. Chúng tôi rất khó xử
trong trường hợp này”, ông Nguyễn Khoa Hải cho biết thêm. Ngoài ra, với cơ chế
thông báo - trả lời, việc thực thi các điều luật trong Luật QC sẽ nằm ở chỗ
tăng cường các chế tài cho lực lượng thanh tra. Trong khi đó, hiện nay dù luật
đã có hiệu lực nhưng lực lượng mỏng và thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ
khiến cho lực lượng này khó làm việc.
Có thể khẳng định rằng, Luật QC ra đời là nhằm chấn
chỉnh các hoạt động QC thương mại, chấm dứt tình trạng bát nháo như trong thời
gian qua. Tuy nhiên, để luật sớm được thực thi nghiêm minh còn là một vấn đề
nan giải đối với cả nhà quản lý lẫn các DN. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các
văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa được sớm ban hành là vì Luật QC có ảnh
hưởng quá nhiều ngành nghề trong xã hội. Tuy nhiên, việc chậm trễ này đang “chiếu
bí” cả nhà quản lý lẫn các DN QC.